An toàn giao thông luôn là vấn đề vô cùng nóng hổi của xã hội hiện nay. Việc giáo dục an toàn giao thông học đường trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
1. Thực trạng an toàn giao thông học đường hiện nay
Theo thống kê từ Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/9/2020), toàn quốc xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.876 người, bị thương 7.609 người. So với 9 tháng đầu năm 2019, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm 2.321 vụ (giảm 18,31%), số người chết giảm 783 người (giảm 13,84%), số người bị thương giảm 2.010 người (giảm 20,9%).
Trong đó, số lượng tai nạn giao thông có đối tượng là trẻ em được đánh giá khá nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước. Điều đó đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, nhà trường và gia đình phối hợp để giáo dục an toàn giao thông học đường cho các em.
Xem thêm: Những điều cần biết về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
2. Kế hoạch giáo dục an toàn giao thông học đường cho từng cấp học
Các đối tượng cần giáo dục an toàn giao thông học đường bao gồm:
- Nhóm trẻ mầm non.
- Nhóm tiểu học.
- Nhóm trung học cơ sở.
- Nhóm trung học phổ thông.
- Nhóm học sinh – sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp.
Tùy vào từng cấp học cụ thể mà các cơ quan, tổ chức thực hiện các cách tuyên truyền và giáo dục an toàn giao thông học đường khác nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ngành giáo dục đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông học đường như sau:
Giao thông đường bộ
Tuyên truyền, giáo dục cho HSSV pháp luật về ATGT, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và các hành vi ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, với các nội dung trọng tâm:
- Các quy định về tín hiệu giao thông đường bộ, biển báo hiệu giao thông đường bộ (biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn) về màu sắc, hình dạng… Ngồi trên xe đạp, xe đạp điện, xe gắn máy, xe mô tô, xe ô tô, xe buýt, an toàn và đi bộ an toàn.
- Hiệu lệnh của tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh và chỉ dẫn của báo hiệu đường bộ, hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông.
- Độ tuổi của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy; quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm; các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện an toàn; cách phòng tránh tai nạn giao thông.
- Quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
- Các kĩ năng bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ xảy ra tai nạn, nguyên nhân, hậu quả của tai nạn giao thông.
Click ngay: Phương tiện giao thông đường sắt – Ngày càng phát triển và chiếm ưu thế
Giao thông đường sắt
Tuyên truyền, giáo dục HSSV thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm ATGT đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng ngại, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
- Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu.
Giao thông đường thủy
Tuyên truyền, giáo dục HSSV khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện giao thông đường thủy. Chỉ đạo, triển khai việc phòng tránh tai nạn đuối nước trong HSSV; tổ chức huấn luyện kỹ năng phòng tránh đuối nước cho HSSV khi đi tham quan, dã ngoại, hạn chế tổ chức hoạt động tham quan vào mùa mưa lũ, vùng nguy hiểm… để đảm bảo an toàn.
3. Các hình thức tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông học đường
Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn, tọa đàm, tổ chức ngày hội, các hội thi tìm hiểu Luật Giao thông, sân khấu hóa các hoạt động; thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội; thông qua hệ thống phát thanh nội bộ…
Tuyên truyền, giáo dục lồng ghép, tích hợp qua các giờ giảng dạy chính khóa, thông qua các hoạt động ngoại khóa; đặc biệt chú trọng mở rộng tuyên truyền tới các bậc cha mẹ học sinh.
Trên đây là các nội dung tham khảo về giáo dục an toàn giao thông học đường. Hy vọng đã cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc.